Hà Giang không chỉ nổi tiếng với những khung cảnh hùng vĩ, những địa điểm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước mà còn là nơi có nhiều món ăn đặc sản hấp dẫn, mới lạ khiến du khách dường như bị níu chân lại mảnh đất này bởi sự thơm ngon và đặc biệt này. Hãy cùng Egg Ventures tìm hiểu về top 10 đặc sản Hà Giang nhất định phải thử bạn nhé!
1. Thịt trâu gác bếp - đậm đà đặc sản Hà Giang
Hà Giang có đặc sản gì? Thịt trâu gác bếp Hà Giang là một món ăn lạ miệng, đặc trưng vùng núi rừng nói chung và đặc sản Hà Giang nói riêng, nên được các “cánh mày râu" yêu thích. Món đặc sản này có vẻ bề ngoài màu nâu sẫm nhưng bên trong lại có màu đỏ, đậm vị. Khi nhai, bạn sẽ cảm thấy vị ngọt của từng thớ thịt, xen lẫn vị cay trên đầu lưỡi, hòa quyện cùng mùi khói thơm của củi, và vị thơm đặc trưng từ hạt mắc khén, cảm giác ấy không thể nào mà quên được.
Đặc biệt là trong những ngày đông giá lạnh, ngồi lai rai vài sợi thịt trâu gác bếp Hà Giang cùng nhâm nhi chút rượu ngô cay nồng, và cảm nhận hương vị đậm đà đang lan nhanh trên đầu lưỡi bên bếp lửa hồng thì còn gì tuyệt vời đúng không nào? Tuy nhiên, với những ai miền xuôi, có thể cảm thấy hơi là lạ, không quen, nhưng nếu đã ăn từ từ từng chút một, bảo đảm là sẽ “nghiện” lúc nào cũng không hay đó.
Bật mí một chút dành cho những tín đồ đam mê ăn uống, thì có thể thưởng thức thịt trâu gác bếp Hà Giang chấm với mắm ớt, mắm tỏi, nước tương, muối tiêu chanh… nhưng có lẽ “đúng điệu” nhất thì chỉ có thể là chẩm chéo, hoặc tương ớt.
Thịt trâu gác bếp vì là món ăn truyền thống gia đình ở vùng núi nên sẽ không có chuyện sử dụng chất bảo quản như thịt bò khô, gà khô,… Món ăn đặc sản Hà Giang này thường được mọi người tin tưởng mua về làm quà cho đồng nghiệp, gia đình, bạn bè,…
2. Thắng dền - đặc sản Hà Giang
Thắng dền Hà Giang là món ăn gây thương nhớ bởi hương vị thơm ngon của những viên thắng dền hòa cùng nước gừng cay nồng. Món ăn này lại càng ngon hơn khi được trải nghiệm giữa trời đông giá lạnh.
Lần đầu nhìn món Thắng dền, bạn sẽ nghĩ ngay đến bánh trôi, bánh chay ở Hà Nội, hay bánh cống phù ở Lạng Sơn. Bánh cũng được làm từ bột nếp, thường sẽ có nhân đậu xanh, viên được nặn nhỏ, là món bánh thường được ăn vào mùa đông chắc chắn sẽ đem lại cảm giác thích thú, ấm lòng cho mỗi khách du lịch.
Đặc sản Hà Giang này được tạo nên từ nguyên liệu chính là gạo nếp Yên Minh, Hà Giang. Điểm khác biệt của loại gạo này so với các loại gạo miền xuôi nằm ở chỗ nó có hạt to, trắng và rất chắc hạt. Gạo Yên Minh khi nấu chín sẽ có vị bùi béo, dai ngon khó có loại gạo nào khác sánh được.
Thắng dền ngon hay không là ở bát nước dùng, đây là một hỗn hợp có vị ngọt của đường, vừa béo vừa ngậy vừa cay từ nước cốt dừa và của gừng, được đun nóng rồi múc ra bát, rắc thêm ít lạc hay ít vừng thì quả thật quá tuyệt vời.
3. Cháo ấu tẩu - đặc sản Hà Giang
Với cái tên nghe có vẻ khá lạ khiến nhiều người không khỏi thắc mắc, món cháo được làm từ ấu tẩu này - một loại củ đặc trưng ở vùng núi Đông Bắc. Được coi là một đặc sản Hà Giang, được người dân chế biến, gia giảm hợp lý có tác dụng như thuốc giải cảm.
Món ăn có vị đắng, nhưng sau đó sẽ đọng lại ở cổ họng chút vị ngọt, người không quen có thể sẽ thấy khá khó ăn. Do được ninh nhừ, bát cháo có độ sánh, có mùi thơm của nếp, vị ngọt đến từ thịt chân giò, vị ngậy ngậy từ trứng, ngoài ra còn vị đặc trưng của ấu tẩu.
Cháo ấu tẩu có quanh năm và đặc biệt chỉ bán vào buổi tối. Bởi lẽ theo kinh nghiệm lâu năm của những người dân ở đây cháo có tác dụng tốt nhất qua giấc ngủ đêm. Với nhiều người dân ở thị xã vùng cao này cháo ấu tẩu là món ăn đêm thường nhật. Tối tối khi nhà nhà lên đèn cũng là lúc hàng cháo ấu tẩu tấp nập khách ra vào.
4. Thịt lợn cắp nách - đặc sản Hà Giang
Thêm một món đặc sản Hà Giang mà bạn không được bỏ qua đó là món lợn cắp nách. Đây là giống lợn nhỏ, chỉ khoảng từ 10 – 15kg, được nuôi thả rông nên thịt khá nạc.
Không biết từ bao giờ, Lợn cắp nách đã trở thành biểu tượng được nhiều người nhắc đến cả trước và sau khi thăm thú Hà Giang. Chỉ một món ăn nhưng nó bao hàm rất nhiều giá trị văn hóa, từ cách chăn nuôi của đồng bào vùng cao, cách chế biến của những người đầu bếp dân gian đến sự độc đáo của một giống lợn bản địa.
Thịt lợn cắp nách được chế biến theo nhiều cách: nướng, hấp hay xào, mỗi món lại ngon một kiểu. Lợn hấp chấm cùng nước mắm tỏi ớt hay gia vị tiêu chanh cũng đều cho ra những trải nghiệm hấp dẫn. Còn các món thịt lợn nướng, xào nóng với miếng thịt săn chắc, đậm đà, ăn kèm với các loại rau thơm thì cũng chả kém cạnh.
5. Phở chua Hà Giang - đặc sản Hà Giang
Phở chua là món ăn được bắt nguồn từ Trung Quốc, thường là điểm tâm sáng của người Hoa, sau đó lan sang nhiều tỉnh biên giới miền núi phía Bắc nước ta trong đó có Hà Giang. Theo tiếng Trung Quốc món ăn này được gọi là “Lường Pàn” (nghĩa là phở mát) với vị chua thanh lạ lạ. Do đó, nó rất được ưa thích vào những ngày hè.
Trước đây ở Hà Giang phở chua thường chỉ được dùng tại các đám cỗ lớn hay những bữa ăn quan trọng trong gia đình. Nhưng bây giờ nó đã trở nên rất phổ biến và là món điểm tâm sáng quen thuộc của mỗi người dân ở cao nguyên đá này.
Phở chua được làm từ bánh phở tươi ngon do chính người dân tự tay làm từ những hạt gạo dẻo thơm được lựa chọn kỹ càng. Ngoài ra, một nguyên liệu cũng quan trọng không kém của món ăn này đó chính là nước dùng – nguyên liệu tạo nên sự khác biệt. Nước dùng của phở chua được làm từ một loại dấm đặc biệt rất chua.
Phở chua – món ăn đặc sản Hà Giang, thường được ăn kèm với thịt lợn rán, lạp xưởng hay thịt vịt quay, ăn cùng đu đủ hay dưa chuột rồi rưới nước dùng lên. Để tăng thêm phần hấp dẫn, bạn hãy gọi ngay thêm chai rượu ngô, làm một vài chén rượu ngô ngọt ngọt ăn với phở chua chua vào buổi sáng thì hoàn hảo.
6. Bánh tam giác mạch - đặc sản Hà Giang
Bánh Tam Giác Mạch là đặc sản Hà Giang làm quà - miền cao nguyên đá . Loại bánh này hấp dẫn du khách không chỉ bởi cái tên gắn với loài hoa tam giác mạch mà còn bởi hương vị ngon lạ, độc đáo. Thật đáng tiếc nếu như bạn ghé thăm Hà Giang mà không thưởng thức món bánh đặc sản này.
Bánh Tam Giác Mạch được làm từ hạt của loài hoa cùng tên. Sau mỗi mùa hoa, người dân nơi đây thu hoạch hạt tam giác mạch để phơi khô và xay nhỏ thành bột để làm bánh. Loại hạt này nhỏ, chỉ bằng một nửa hạt đỗ đen nhưng lại chứa nhiều giá trị dinh dưỡng. Vì được trồng trong môi trường tự nhiên nên tam giác mạch ở Hà Giang không bị tác động bởi hóa chất độc hại.
Bánh Tam Giác Mạch ăn sẽ ngon hơn khi bánh đang còn nóng. Được làm từ bột mịn xay nhuyễn nên bánh rất mềm và xốp. Khi thưởng thức, du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh lan tỏa trong miệng.
Bánh có vị vừa miệng, không quá ướt mát như bột ngọt. Bánh có vị bùi và mang chút hăng đặc trưng cây rừng vùng cao nguyên đá Đồng Văn chắc chắn sẽ khiến bạn mê mẩn ngay từ những phút giây đầu tiên. Nếu có cơ hội du ngoạn Hà Giang, bạn nên thưởng thức đặc sản nổi tiếng mà độc lạ này.
7. Rêu nướng - đặc sản Hà Giang
Nếu bạn hỏi Hà Giang có gì đặc biệt thì món rêu nướng được coi là đặc sản của người Tày – dân tộc có nền văn hoá ẩm thực vô cùng phong phú, đa dạng. Vì đây là một món đặc biệt nên việc chế biến làm sao cho ngon cũng đòi hỏi một kiến thức, kỹ năng nhất định của người dân địa phương.
Người Tày chia sẻ, chọn rêu phải biết được chỗ nào có đám lớn mà lựa. Bởi vì chỉ có ở nơi có chất dinh dưỡng dồi dào thì rêu mới phát triển và mọc rậm rạp được. Hơn nữa còn có loại rêu ngon, béo và giòn.
Mặc dù là thứ xuất hiện nhiều ở sông, suối. Tuy nhiên rêu ngon thì rất ít, và nó xuất hiện theo mùa.Vậy nên người Tày coi đây là một loại đặc sản quý hiếm. Từ rêu cũng có thể nấu ra được rất nhiều món ăn ngon như món canh rêu hầm xương, rêu rán hay nộm rêu. Tuy nhiên món ngon và được yêu thích nhất vẫn món rêu nướng.
Là một món ăn bổ dưỡng cùng hương vị rất nổi bật, rêu nướng được nhiều du khách chú ý, hay thậm chí là “nghiện” khi đến với Hà Giang. Ngoài ra, rêu nướng còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp giải độc, giải nhiệt, lưu thông khí huyết, tăng sức đề kháng,…
8. Cơm lam Bắc Mê - đặc sản Hà Giang
Hà Giang là một vùng đất trồng được nhiều loại gạo nếp nổi tiếng thơm ngon, góp phần khẳng định chỗ đứng cho món Cơm lam Bắc Mê – đặc sản đặc trưng của dân tộc Tày nơi đây. Cơm lam bây giờ không chỉ còn là một món ăn, mà đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của dân tộc vùng Đông Bắc.
Món ăn có được sự kết hợp hài hòa và tinh tế giữa gạo nếp và hương tre, hòa quyện vào nhau khi nướng trên bếp than hoa. Khác với ở các thành phố hiện đại, cơm phần lớn được nấu bằng nồi điện, niêu, thì món cơm lam ở đây được người dân sử dụng ống tre, nứa để đựng cơm. “Lam” ở đây chính là dùng ống tre, nứa để nấu thức ăn.
Và cũng nhờ vào cách nấu dân dã này mà đã mang lại hương vị hấp dẫn cho món cơm khiến Cơm lam Bắc Mê níu chân biết bao du khách khi đến với vùng cao Đông Bắc Hà Giang. Nếu ăn không, bạn sẽ cảm nhận được rõ ràng vị thơm của gạo hòa quyện với mùi của tre, nứa và lá chuối.
Ấy vậy khi kết hợp với những món ăn khác như muối riềng hay muối vừng thì món ăn này được đưa lên một đẳng cấp khác. Muối vừng thì lại có vị thơm thơm đặc trưng của vừng, còn muối riềng thì lại thơm cay nồng khi kết hợp với vị ngọt thanh của cơm lam vô cùng hợp. Ngoài ra thì bạn còn có thể ăn chung với gà nướng cũng rất ngon.
9. Xôi ngũ sắc - đặc sản Hà Giang
Là món đặc sản Hà Giang nổi bật, xôi ngũ sắc sẽ khiến các bạn phải trầm trồ khi lần đầu tiên thấy món ăn này. Xôi có 5 màu phổ biến: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ.
Với món xôi ngũ sắc, không chỉ mang lại sự đẹp mắt, ngon miệng mà còn mang tính thiêng liêng vô cùng to lớn. Món ăn này không thế thiếu trong mỗi mâm cỗ của đồng bào dân tộc Hà Giang – là biểu tượng văn hoá nơi đây.
Đằng sau những màu sắc bắt mắt của món xôi là ẩn ý cầu mong cho năm mới làm ăn thuận lợi của người Tày. Xôi năm màu đại diện cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Màu đỏ mang ý nghĩa của khát vọng. Màu xanh tượng trưng cho màu xanh của núi rừng, cầu mong cho cây cối tươi tốt, thóc đầy nương, ngô đầy bồ.
Màu tím tượng trưng cho đất đai trù phú, màu mỡ. Màu vàng tượng trưng cho sự ấm no, đầy đủ. Màu trắng tượng trưng cho sự chung thủy trong tình yêu. Theo quan niệm của người Tày, màu sắc món xôi càng đẹp thì càng tượng trưng cho sự thịnh vượng, làm ăn phát đạt cho gia đình.
Xôi ngũ sắc với tính dẻo thơm, nếu để lâu sẽ dễ bị cứng, khi ăn không cần đến những gia vị khác. Xôi sau khi được đồ xong được bày biện thành hình bông hoa năm cánh, hình ruộng bậc thang, hình tháp, nhiều tầng,…
Xôi ngũ sắc hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào vùng rẻo cao, mang triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao cả. Nếu có cơ hội đi tour Hà Giang, bạn đừng quên thưởng thức món xôi ngũ sắc và học hỏi cách làm món xôi độc đáo này nhé.
10. Bánh cuốn Đồng Văn - đặc sản Hà Giang
Dù khắp mọi miền đất đất nước Việt Nam bánh cuốn là một món ăn vô cùng quen thuộc có mặt tại hầu hết các tỉnh thành. Tuy nhiên bánh cuốn phố cổ Đồng Văn lại là một cái gì đó khiến người ta nhớ mãi.
Điểm đặc biệt của món ăn là bánh cuốn được tráng mỏng, cuốn dài, to, không ăn cùng với nước mắm mà lại ăn cùng với nước xương hầm đậm đà, điểm thêm vài nhánh rau mùi trông đã sướng con mắt.
Bánh cuốn Đồng Văn Hà Giang không chỉ đặc biệt ở phần nước dùng mà còn khiến du khách ở khâu chế biến thành bánh cuốn trứng độc đáo. Bánh sau khi được trải đều trên màn hấp tròn thì đánh thêm hai quả trứng vào, láng đều. Sau đó sẽ đậy nắp lại và đợi cho đến khi bánh và trứng chín đều, tỏa ra hương thơm ngào ngạt.
Cuối cùng, người bán sẽ cho phần nhân được làm từ mộc nhĩ và thịt vào, nhanh tay cuốn lại. Lúc này, bánh sẽ có màu vàng nhàn nhạt vô cùng độc lạ. Mùi vị của lớp bánh bên ngoài, cùng vị béo của trứng, nước dùng thanh ngọt, tạo sự hấp dẫn, thu hút người dân địa phương và du khách.
Trên đây là top 10 đặc sản Hà Giang “nhất định phải thử” mà Egg Ventures muốn gợi ý cho bạn. Mong là những thông tin này sẽ hữu ích với bạn và chúc bạn có một chuyến du lịch Hà Giang tuyệt vời.
Hãy theo dõi chuyên mục Kinh nghiệm du lịch của Egg Ventures để nhận được nhiều thông tin du lịch bổ ích và mới nhất bạn nhé! Đừng quên Save Extra vẫn luôn cập nhật những ưu đãi hấp dẫn về du lịch và mua sắm, truy cập Save Extra để mua sắm hoàn tiền thả ga bạn nha.
Comentários